Sau đây là các Tóm tắt báo báo tại Hội thảo, tập trung chủ yếu 2 chuyên đề: I. Chuyên đề Y HỌC DƯỚI NƯỚC VÀ CAO ÁP, ỨNG DỤNG TRỊ LIỆU Ô XY CAO ÁP TRONG LÂM SÀNG
1. NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP NGỘ ĐỘC KHÍ CACBON MONOXIDE(CO) NẶNG ĐƯỢC VIỆN Y HỌC BIỂN VIỆT NAM CẤP CỨU THÀNH CÔNG Nguyễn Trường Sơn Trần Thanh Cảng, Nguyễn Văn Non Đặng Duy Nhất, Nguyễn Bảo Nam Viện Y học Biển Việt Nam 1. Mô tả ca bệnh và hoàn cảnh xảy ra tai nạn BN Hoàng Thị O sinh năm 1970 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. 0 giờ ngày 27/8/2013, nhà bị mất điện lưới, nên đã chạy máy phát điện để chạy điều hoà, nên các cửa đều đóng kín, đến 10 giờ ngày 27/8/2013 không thấy nạn nhân dậy nên gia đình kêu hàng xóm trợ giúp phá cửa vào thì phát hiện cả 2 vợ chồng nạn nhân bất tỉnh, nạn nhân được đến bệnh viện Đồ Sơn cấp cứu, nhưng chồng nạn nhân đã tử vong. Bệnh nhân O tiếp tục được gia đình đưa lên Bệnh viện ĐHYD HP cấp cứu lúc 11 giờ 20, nhưng không đỡ nên đến 12 giờ 50 bệnh nhân được chuyển lên Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện V-T để điều trị tiếp. Tại đây bệnh nhân được hồi sức và thở ô xy tinh khiết nhưng kết quả không có tiến triển. 16 giờ 40 bệnh nhân được Bệnh viện chuyển đến Viện Y học biển Việt Nam để điều trị tiếp. Khi đến Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp của Viện Y học biển Việt Nam, bệnh nhân ở trong tình trạng: – Da toàn thân và niêm mạc đỏ (không phải hồng hào), bệnh nhân bị mất ý thức, kích thích, vật vã, giãy giụa mạnh, khó thở, mạch nhanh, tần số mạch là 108 lần /phút, huyết áp 100/70 mmHg… Xét nghiệm enzym CK toàn phần = 56.200 U/L, CKMB = 500 U/L, đỗ bão hoà ô xy máu động mạch SpO2 < 90 %. – Đùi trái có vết bầm giập, sưng nề. Cẳng chân trái có một số chỗ bầm tím. Không phát hiện thấy liệt. 2. Chẩn đoán Bệnh nhân bị ngộ độc khí cacbon monocide (CO) do hít phải khói máy phát điện ở giai đoạn muộn (7 giờ sau khi phát hiện) và chỉ định cho điều trị khẩn cấp bằng trị liệu ô xy cao áp (HBOT). 3. Quá trình điều trị – 16 giờ 50 bệnh nhân được đưa vào buồng cao áp cùng với kíp nhân viên hồi sức, 17 giờ bệnh nhân được chạy liệu trình đầu tiên với liều 2,5 ATA x thở 20 phút O2 x 5 phút không khí nén/ chu kỳ và thời gian điều trị trong buồng là 3 giờ. Thời gian ở trong buồng bệnh nhân vẫn được bù nước, điện giải. Sau liệu trình thứ nhất, bệnh nhân ngồi dậy được, tỉnh táo hơn, bắt đầu nhớ các sự kiện trước khi bị tai nạn. Tuy nhiên, trí nhớ của bệnh nhân chưa được phục hồi hoàn toàn, đùi trái sưng khá to, cảm giác không rõ, cử động rất khó khăn. – Bệnh nhân được chỉ định điều trị tiếp liệu trình HBOT thứ 2 lúc 0 giờ ngày 29/8/2013 với liều lượng như liệu trình 1. Kết quả điều trị cho thấy bệnh nhân tiến triển rất tốt, tinh thần và trí nhớ của bệnh nhân đã được hồi phục hoàn toàn. Các enzym CK và CKMB và enzym GOT, GPT giảm dần. Xét nghiệm chức năng thận: bình thường. Tuy nhiên, đùi và chân trái bệnh nhân sưng rất to, vận động hạn chế, cảm giác da mặt ngoài chân trái còn tê bì, nhưng động mạch khoeo và mu chân vẫn đập rất rõ. – Xét nghiệm ngày 30/8/2013: các enzym gan, cơ vân có xu hướng tăng lên đáng kể. Bệnh nhân được làm siêu âm 2D đùi T: cho thấy cơ đùi T có nhiều khu vực giảm hồi âm dạng xung huyết, Doppler mạch đùi trái (T) và động mạch khoeo: kết quả cho thấy phổ Doppler bình thường, không phát hiện thấy dấu hiệu huyết khối hay cục máu đông. Chụp CT-Scaner đùi T: thấy có một số ổ giảm tín hiệu dạng xung huyết. – Xét nghiệm hoá sinh thấy: enzym GOT, GPT, CK và CKMB tăng cao hơn ngày đầu tiên. SpO2 tăng cao lên 96-98 %. Chẩn đoán bổ sung: Hội chứng tiêu cơ vân do chấn thương đụng giập đùi T. Hướng điều trị: tiếp tục trị liệu ô xy cao áp 2,5 ATA x 2 lần/ ngày, kết hợp với kháng viêm, an thần. – Kết quả điều trị: đến ngày thứ 4, các enzym giảm dần, đùi T nhỏ đi rõ, vận động của chân T gần như bình thường. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân bắt đầu tập đi. Đến ngày thứ 10, các emzym trở lại mức bình thường, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện. Kết luận 1. Đây là một trường hợp ngộ độc khí cacbon monoxide (CO) rất nặng lại được đưa đến Viện Y học biển Việt Nam rất muộn (7 tiếng sau khi bị tai nạn) đã đươc Trung tâm y học dưới nước và ô xy cao áp cấp cứu thành công bằng trị liệu ô xy cao áp. 2. Bệnh nhân cũng là trường hợp đặc biệt vì bị cả hội chứng tiêu cơ vân do đụng giập cơ đùi T nặng và cũng được điều trị khỏi nhờ trị liệu ô xy cao áp. 3. Trị liệu ô xy cao áp là kỹ thuật còn mới ở nước ta, đang được phát triển rất nhanh và khả năng ứng dụng điều trị trong lâm sàng rất lớn nên cần được nhân rộng.
2. NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP HOẠI THƯ SINH HƠI Ở BỆNH NHÂN BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG VỚI TRỊ LIỆU OXY CAO ÁP (HBOT) Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Bảo Nam, Phan Thị Thu Hằng, Nguyễn Văn Non, Nguyễn Duy Duyên, Nguyễn Trung Dũng Viện Y học biển Việt Nam
1.Bệnh nhân Bùi Thị T, nữ, sinh năm 1950, có tiền sử THA – ĐTĐ > 10 năm điều trị đều. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện sưng đau nhiều bàn chân T, sưng to dần lên đồng thời thấy da vùng búp ngón chân III và gan bàn chân T chuyển màu đen à nhập viện khoa Ngoại, viện y học biển Việt Nam, lúc 8h30’ ngày 04/07/2014. Khám thấy: da vùng mu chân và gan bàn chân T viêm tấy đỏ, da ấm, sờ nắn thấy có dấu hiệu lép bép toàn bộ vùng mu chân T, sờ nắn có cảm giác đau chói. Có 2 vết hoại tử đen vùng búp ngón III và gan bàn chân T, ổ hoại tử ở gan bàn chân T có rỉ ít mủ thối. Bệnh nhân không đi được và tình trạng nhiễm trùng toàn thân nặng. 2.Chẩn đoán: Nhiễm trùng hoại thư sinh hơi bàn chân T trên bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 – THA 3.Điều trị: Bệnh nhân được bắt đầu ngay liệu trình HBOT đầu tiên với liều 2,5 ATA x 90 phút O2 vào lúc 14h25’ ngày 4/7. Ngày tiếp theo nâng liều điều trị lên 2,8 ATA x 90 phút O2 x 1 lần/ngày x 3 ngày. Đến ngày 7/7, bệnh được chỉ định chạy HBOT 2 lần/ngày với áp suất 2,8 ATA x 90 phút O2. Tuy nhiên, sau khi chạy xong ca 2, bàn chân bệnh nhân thấy đỡ đau ít, vẫn sưng to, nóng đỏ, nhiều tiếng lép bép dưới da, không đáp ứng với thuốc giảm đau, bệnh nhân được nâng liều điều trị lên áp suất 2,8 ATA x 90 phút O2 x 3 lần /ngày. Sau khi ra khỏi buồng cao áp b/n đỡ đau. Tại vị trí gan bàn chân và khe ngón III – IV bàn chân T đang chảy mủ thối, đầu ngón III có dấu hiệu hoại tử đen à tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ, ra nhiều mủ thối và tổ chức hoại tử. Sau đó bệnh nhân đỡ đau hơn và ngủ được Các ngày tiếp theo bệnh nhân tiếp tục HBOT với liều 2,8 ATA x 90 phút oxy x 2 ca ngày (8h và 14h). Đồng thời bệnh nhân tiếp tục được mở rộng tổn thương ở bàn chân để dẫn lưu mủ, vệ sinh ổ mủ hàng ngày bằng betadin, cắt lọc tổn chức hoại tử và giả mạc và ngâm chân với nước lá Bạch Đồng Nữ. Các ngày sau đó, ổ tổn thương ở bàn chân ra ít mủ thối dần, giả mạc ít dần đi và bệnh nhân cũng thấy đỡ đau hơn. Đến ngày 25/7 thì các mép vết thương đã bắt đầu lên tổ chức hạt. Đồng thời bệnh nhân được phối hợp điều trị thuốc: kháng sinh,kiểm soát đường máu bằng Insulin + Metformin, chống viêm, chống ngưng tập tiểu cầu, kiểm soát HA, bù Albumin, dinh dưỡng nâng cao thể trạng, lợi tiểu đề giảm phù nề tổ chức. 4.Kết quả: sau 4 tuần điều trị bệnh nhân không còn tình trạng nhiễm trùng trên lâm sàng, đau ở chân đã giảm gần như hết, ổ tổn thương ở bàn chân không còn chảy mủ, mép vết thương đã lên tổ chức hạt và hình thành sẹo, không còn nguy cơ phải cắt cụt chi,. Các xét nghiệm Glucose máu ổn định ở gần mức sinh lý (ngày 4/8, Glucose = 5,9 mmol/l). Kết luận 1. Bệnh nhân vào viện với tình trạng nhiễm trùng nặng được chẩn đoán là “Nhiễm trùng hoại thư sinh hơi bàn chân T trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và tăng huyết áp nặng” có chỉ định cắt cụt chi, đã được điều trị bằng phương pháp trị liệu ô xy cao áp liều cao (HBOT: Hyperbaric oxygen therapy) kết hợp với kháng sinh và chăm sóc ngoại khoa đã cho kết quả rất tốt, BN khỏi bệnh hoàn toàn. 2. Liều điều trị HBOT tối ưu: Áp suất tối thiểu 2,5 dến 2,8 ATA x 90 phút x 2 lần điều trị/ ngày. Thời gian đợt điều trị kéo dài khoảng 2 – 4 tuần đẫ cho kết quả tốt. 3. Cần có nghiên cứu ứng dụng và chỉ định rộng rãi hơn đối với trị liệu HBOT không chỉ với hoại thư sinh hơi mà cả các loại loét bàn chân tiểu đường khác.
3. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA HBO TRONG ĐIỀU TRỊ CHỨNG MẤT NGỦ TẠI VIỆN Y HỌC BIỂN VIỆT NAM Nguyễn Văn Thành Nguyễn Trường Sơn Viện Y học biển VN Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả của HBO trong điều trị mất ngủ ở bệnh nhân ngoại trú. Đối tượng và Phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu trên 51 bệnh nhân ngoại trú được chẩn đoán là mất ngủ theo tiêu chuẩn của DSM IV và điều trị tại Trung tâm Y học dưới nước và Ô xy cao áp, Viện Y học biển năm 2012. Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 54,96 ± 11,126, nhóm tuổi trên 60 là cao nhất 29,4%, người cao tuổi và đã nghỉ hưu là ảnh hưởng nhiều nhất (43,1%). Tỷ số giới tính nữ /nam = 2 (66,7% so với 33,3%). Nhóm bệnh lý phối hợp thường gặp nhất của bệnh nhân là các bệnh lý hệ tim mạch 27,45%. Mất ngủ không rõ nguyên nhân là cao nhất 62,7%. Mất ngủ mạn tính là thường xuyên nhất với 76,5% so với 23,5% thoáng qua mất ngủ. 68,6% bệnh nhân được điều trị với sự kết hợp HBOT – thuốc an thần so với 31,4% số bệnh nhân được điều trị bằng HBOT. 66,7% bệnh nhân đã được điều trị tại 2.2 ATA với 33,3% được điều trị tại 2,5 ATA 60 phút; thời gian trung bình của điều trị là 9,96 ± 4,69 ngày. Thời gian trung bình của giấc ngủ sau khi đã cao hơn đáng kể bệnh nhân trước khi điều trị (4,09 ± 0,21 so với 2,19 ± 0,13; p <0.001). Kết quả tốt chiếm 70,6% so với 13,7% của kết quả xấu chiếm đóng và đã có 15,7% bệnh nhân ngưng và tránh hoặc điều trị. 100% bệnh nhân đã được điều trị bằng Amitriptyline không có cải tiến. Kết luận: HBOT cho thấy hiệu quả ở 70,6% số bệnh nhân bị mất ngủ nhưng những bệnh nhân từng được điều trị bằng Amitriptylin trong tiền sử không đáp ứng với HBOT.
4. CÁC NGHIỆM PHÁP ĐÁNH GIÁ TRẠNG THÁI TÂM SINH LÝ CỦA THỦY THỦ TÀU NGẦM Phạm Xuân Ninh Viện Y sinh Nhiệt đới-TTNĐ Việt-Nga Tóm tắt: Trong khi đi biển có nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe thủy thủ tàu ngầm: quá tải trong hoạt động nghề nghiệp, căng thẳng thần kinh-tâm lý trong những chuyến đi biển độc lập dài ngày, điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết vùng biển, ăn uống thiếu rau xanh, không gian chật hẹp, làm việc độc lập cách ly với thế giới bên ngoài. Những yếu tố bất lợi đó không những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thuỷ thủ, mà còn làm cho cơ thể nhanh mệt mỏi, làm giảm khả năng lao động, tốc độ xử lý thông tin chậm, gây ra những bất lợi về mặt tâm lý, có thể dẫn đến tai nạn khi đi biển. Vì vậy cần áp dụng các biện pháp nhằm đánh giá trạng thái tâm sinh lý của thủy thủ tàu ngầm, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp dự phòng rối loạn tâm sinh lý và phục hồi sức khỏe cho thủy thủ.
5. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG, KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BỆNH GIẢM ÁP CẤP TÍNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP TÁI TĂNG ÁP SUẤT KẾT HỢP OXY CAO ÁP TẠI VIỆN Y HỌC HẢI QUÂN NĂM 2011 – 2013 Ngô Văn Hậu Lê Đăng Vân Viện Y học Hải quân Qua nghiên cứu 14 bệnh nhân bệnh giảm áp cấp tính điều trị tại khoa Sinh lý- Viện Y học Hải Quân từ 4/2011- 7/2013 chúng tôi đưa ra một số kết luận sau: 1. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng – Đặc điểm lâm sàng: + Phần lớn thợ lặn bị bệnh giảm áp ở lứa tuổi <35 tuổi (71,43%) với tuổi nghề 1- 5 năm (35,71%). + Hầu hết bệnh nhân bị liệt hai chi dưới (85,71%), Các bệnh nhân phần lớn đều bí đại, tiểu tiện (78,57%) + Đặc biệt có 01 bệnh nhân tổn thương thận gây suy thận cấp. + Tai biến bệnh giảm áp thường xảy ở độ sâu lặn trên 30m nước (85,71%).
– Đặc điểm cận lâm sàng: +Trong bảng 3.9 có (42,86%) tăng men gan GOT, GPT. + Có 01/14 bệnh nhân có Ure, Creatinin tăng. 2. Kết quả điều trị bệnh giảm áp cấp tính tại khoa Sinh lý – Viện Y học Hải Quân. – Bệnh nhân liệt độ IV,V điều trị theo chế độ 4: 3BN (21,43%) – Bệnh nhân liệt độ II, III thì điều trị chế độ 2, 3: 8BN (57,14%) – Tỉ lệ bệnh nhân điều trị khỏi (71,43%), liệt nhẹ (21,43%), 1 bệnh nhân để lại di chứng do đến muộn ( 7,14%) – Tỉ lệ ngày điều trị trung bình là 18 ngày. – Không có trường hợp nào tử vong.
6. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU NÃO BẰNG TRỊ LIỆU OXY CAO ÁP TẠI VIỆN Y HỌC BIỂN VIỆT NAM Phạm Văn Non Nguyễn Trường Sơn Viện Y học biển Việt Nam Mục tiêu: Bước đầu đánh giá kết quả điều trị nhồi máu não bằng trị liệu oxy cao áp tại Viện Y học biển Phương pháp: Mô tả hồi cứu Kết quả: Nghiên cứu kết quả điều trị 218 bệnh nhân bị nhồi máu não bằng trị liệu oxy cao áp trong thời gian từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 7 năm 2014 cho thấy: nhóm bệnh nhân bị bệnh tai biến nhồi máu não đến điều trị HBO sớm trong ngày đầu thì khả năng phục hồi vận động cao nhất (trước điều trị khá và tốt là 6,7%, sau điều trị là 93,3%), khả năng phục hồi vận động giảm dần khi thời gian đến điều trị muộn hơn và nhóm bệnh nhân đến điều trị muộn sau 30 ngày có khả năng phục hồi vận động kém nhất (trước điều trị khá và tốt là 32%, sau điều trị là 50,7%). Kết luận: Bệnh nhân bị bệnh tai biến nhồi máu não được điều trị bằng HBO càng sớm thì khả năng phục hồi vận động càng cao.
II. Chuyên đề Y HỌC LÂM SÀNG VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP BIỂN
1. NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM THẦN KINH – TÂM LÝ CỦA THUYỀN VIÊN VIỆT NAM LÀM VIỆC TRÊN CÁC TÀU VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG NĂM 2013 Trần Thị Quỳnh Chi*, Nguyễn Văn Tâm** * Viện Y học biển Việt Nam ** Đại học Y Dược Hải Phòng
♦ Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm thần kinh – tâm lý và một số yếu tố liên quan đến đặc điểm thần kinh – tâm lý của thuyền viên trước và sau hành trình. ♦ Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu sử dụng nghiên cứu dọc, tiến cứu. Phỏng vấn trực tiếp thuyền viên để tìm hiểu điều kiện sống và các rối loạn thần kinh – tâm lý trước và sau hành trình. ♦ Kết quả nghiên cứu: Loại hình thần kinh của thuyền viên: sau hành trình thần kinh u sầu và lầm lỳ cao hơn so với trước hành trình; khả năng chú ý và khả năng tư duy của thuyền viên sau hành trình giảm hơn so với trước hành trình; mức độ trầm cảm của thuyền viên sau hành trình cao hơn so với trước hành trình. Thuyền viên cảm thấy môi trường lao động khắc nghiệt, căng thẳng cảm xúc tình dục, cô đơn dày vò nguy cơ rối loạn thần kinh tâm lý cao hơn so với nhóm không cảm thấy như vậy.
2. NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA GLUCOSE, LIPID VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI MỘT SỐ BỆNH LÝ TIM MẠCH CỦA THUYỀN VIÊN VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG Nguyễn Bảo Nam Nguyễn Trường Sơn Viện Y học biển Việt Nam
Mục tiêu nghiên cứu: – Nghiên cứu đặc điểm rối loạn chuyển hoá glucose, lipid của thuyền viên vận tải viễn dương. – Xác định mối liên quan giữa rối loạn chuyển hoá glucose và lipid với một số bệnh lý tim mạch ở các thuyền viên vận tải viễn dương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu bao gồm 400 thuyền viên đang làm việc trên các tàu viễn dương, tuổi nghề từ 2 năm trở lên. Nhóm tham chiếu gồm 300 lao động trên đất liền thuộc một số công ty tại Hải Phòng. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang kèm phân tích. Kết quả nghiên cứu: 1. Về đặc điểm rối loạn chuyển hoá glucose, lipid của thuyền viên vận tải viễn dương · Tỷ lệ mắc rối loạn chuyển hoá glucose và lipid máu của thuyền viên vận tải viễn dương là khá cao: – Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose lúc đói là 15,25%, cao hơn so với nhóm lao động trên đất liền (p < 0,05). Tỷ lệ mắc đái tháo đường typ 2 là 5%. – Tỷ lệ thuyền viên mắc rối loạn chuyển hóa lipid nhìn chung là rất cao (82,75%) trong đó: có tăng cholesterol máu là 51,25%; tăng triglycerid máu là 56,25%; tăng LDL-C là 36%; giảm HDL-C là 22%. – Tỷ lệ mắc HCCH của thuyền viên là 31,5%, cao hơn hẳn nhóm lao động trên đất liền (19,33%) (p < 0,05). · Tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch của TVVTVD là khá cao – Tỷ lệ THA của TVVTVD là 45,75%, trong đó: 22,25% là THA nhẹ, 17,25% là THA vừa, 6,25% là THA nặng. – Các bất thường thường gặp trên điện tâm đồ của thuyền viên là: rối loạn dẫn truyền trong thất (17,25%), tiếp đó là block nhánh P không hoàn toàn và hoàn toàn (11,75%), tăng gánh thất trái (8,25%), cường phế vị (6,25%), BTTMCB (4,25%), ngoại tâm thu thất (3,25%), ngoại tâm thu nhĩ (3%). 2. Về mối liên quan chặt chẽ giữa các rối loạn chuyển hoá glucose và lipid với một số bệnh lý tim mạch ở các thuyền viên vận tải viễn dương Việc bị mắc các rối loạn chuyển hóa, nhất là HCCH làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch ở thuyền viên. Đa số các thuyền viên đều có từ 4 yếu tố nguy cơ trở lên (béo phì, rối loạn lipid máu, rối loạn glucose máu, THA, biến đổi điện tâm đồ, trạng thái ít vận động, rèn luyện …).
3. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NĂNG LỰC Y TẾ CƠ SỞ ĐÁP ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN MỘT SỐ ĐẢO VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM Lương Xuân Tuyến Trần Thị Quỳnh Chi Nguyễn Trường Sơn Viện Y học biển Việt Nam Đặt vấn đề: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng trái đất nóng lên, khô hạn và lũ lụt diễn ra thường xuyên là điều kiện thuận lợi làm xuất hiện dịch bệnh, những tổn thất về vật chất và con người do biến đổi khí hậu gây ra. Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của mạng lưới y tế là một trong những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu. Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá thực trạng khả năng đáp ứng với biến đổi khí hậu của mạng lưới y tế trên một số đảo vùng Đông Bắc Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có phân tích. Mẫu khảo sát gồm tất 16 trạm y tế xã, 3 bệnh viện huyện tại 3 huyện đảo: Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Cô Tô. Kết quả: Kết quả khảo sát cho thấy 100% số trạm y tế xã thiếu trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu, khắc phục thảm họa. 100% số cán bộ y tế xã chưa được đào tạo về y học biển, 56,25 cán bộ y tế hiểu biết về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người. Khi xảy ra thảm họa, tỷ lệ cấp cứu ban đầu có hiệu quả là 24,5 – 36,5%; sau thảm họa có 37,5 – 56,25% số trạm y tế xã có biện pháp xử lý môi trường để phòng dịch. Kết luận: Trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đảm bảo công tác cấp cứu ban đầu khắc phục thảm họa. Thiếu phương tiện vận chuyển phù hợp với địa hình vùng biển, đảo. Nguồn nhân lực tuyến xã còn thiếu, chưa có kinh nghiệm khắc phục thảm họa, chưa được đào tạo về y học biển. 4. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ NHU CẦU HỖ TRỢ Y TẾ Dương Văn Thấm Danh Tứ Hải Bùi Văn Nam Phòng Quân Y quân khu 9 Nhu cầu hỗ trợ y tế cho ngư phủ ra khơi đánh bắt thủy sản dài ngày trên biển đang là vấn đề hết sức cần thiết bảo đảm cho ngư phủ yên tâm sản xuất, khai thác thủy sản. Nghiên cứu 106 ngư dân vùng biển Cà Mau sau khi huấn luyện kỹ thuật băng bó cấp cứu, hướng dẫn tự điều trị một số bệnh lý thường gặp và cấp túi thuốc y tế cho tàu cá, với nhóm ngư dân có độ tuổi trung bình là 35,15 ± 9,60; độ tuổi trung bình trẻ nhất là nhóm Máy trưởng: 28,82 ± 3,25 và Thuyền trưởng là nhóm có tuổi trung bình cao nhất 42,90 ± 7,92. Trình độ văn hóa cấp 2 chiếm 51,9% và cấp 1 chiếm 23,6%. Ngư phủ thường gặp bệnh lý và chuẩn bị thuốc mang theo điều trị thuộc nhóm cảm cúm, đau nhức, ho, tiêu chảy. Ngư phủ cần thiết được cấp sổ tay hướng dẫn biết sử dụng thuốc điều trị bệnh 91,5% và cấp video clip huấn luyện kỹ thuật cấp cứu 99,1%. Đề nghị Nhà nước tăng cường biện pháp cứu hộ trên biển 68,9%; Quân đội cần có tàu tuần tra thường xuyên trên biển 84,3% và Ngành Y tế cần tổ chức tập huấn hướng dẫn phòng chống bệnh tật cho ngư dân 65,1%.
5. XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH TỔ CHỨC Y TẾ ĐÁP ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA CÁC HUYỆN ĐẢO VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM
Trần Thị Quỳnh Chi
Nguyễn Trường Sơn
Viện Y học Biển VN
Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất các mô hình tổ chức y tế đáp ứng với biến đổi khí hậu tại Huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô và Cát Hải như sau:
1. Mô hình tổ chức y tế cấp cứu chấn thương do thảm hoạ thiên tai Được tổ chức theo mô hình: Tại các tàu thuyền đang hoạt động trên biển – Tổ chức y tế theo các cụm tàu của tập đoàn đánh cá – Các Trung tâm y tế hoặc bệnh viện đa khoa huyện đảo. Liên kết chặt chẽ với các trạm y tế các cảng cá và trạm y tế của các địa phương ven biển – Bệnh viện tuyến huyện ven biển – Bệnh viện tuyến 4 của các tỉnh, thành phố ven biển. Bên cạnh đó, lực lượng y tế của Trung ương và các ngành đóng tại địa phương như Viện Y học biển, Viện Y học Hải quân, Quân y Quân khu 3, Bệnh viện Đại học y Hải Phòng… sẵn sàng chi viện cả về nhân lực và vật lực khi có yêu cầu của địa phương.
2. Mô hình xử lý chất thải trên đảo Chất thải rắn do sinh hoạt phải được thu gom và phân loại từ đầu nguồn, đưa đến khu tập trung để đốt tự nhiên hoặc tốt nhất là lò đốt rác. Chất thải lỏng phải được xử lý sơ bộ từ hộ gia đình hoặc nơi sản xuất sau đó gom vào khu vực thải chung của cả đảo rồi xử lý trước khi đổ xuống biển. Xây Nhà tiêu hợp vệ sinh, tốt nhất là nhà tiêu tự hoại, phải làm ở địa điểm cao có thể tránh được ngập do nước biển dâng.
3. Mô hình Thông tin – Giáo dục – truyền thông và tham gia của cộng đồng Được tiến hành trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin, đại chúng, chú trọng vấn đề cấp nước sạch và xây nhà tiêu hợp vệ sinh trên đảo, đáp ứng với biến đổi khí hậu.
6. THỰC TRẠNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CỦA NGƯ DÂN ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ HUYỆN VÂN ĐỒN – TỈNH QUẢNG NINH
Nguyễn Hồng Hạnh*, Bùi Đức Thành*, Tăng Xuân Châu*, Lê Thị Hồng Ly*, Trần Hải Hoàng*, Nguyễn Văn Nam* Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh Nghiên cứu mô tả hồi cứu thực trạng tai nạn thương tích của ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ của Huyện Vân Đồn Tỉnh Quảng Ninh. Nghiên cứu được tiến hành trên 300 ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. Kết quả cho thấy tỉ lệ tai nạn thương tích chiếm 54,3%, trong đó tai nạn thương tích nhẹ (vết thương phần mềm nhẹ, chấn thương phần mềm) chiếm 67,5%, thương tích mức độ vừa chiếm 27,0%. Tại nạn thương tích gặp chủ yếu trên đối tượng thuyền viên chiếm 62,0% (p<0,05), vị trí xảy ra tai nạn chủ yếu trên boong tàu chiếm 76,7%, nguyên nhân tai nạn do dụng cụ lao động, trượt ngã chiếm chủ yếu (33,1%, 27,6%). Các biện pháp xử lý tai nạn thương tích cho thấy ngư dân tự xử lý theo kinh nghiệm (78,5%), mức độ hài lòng về các biện pháp xử lý còn thấp (8,3%). Ngư dân mong muốn được hỗ trợ 1 phần kinh phí thuốc men, tập huấn biện pháp xử trí tai nạn thương tích để nâng cao sức khỏe và tạo môi trường làm việc an toàn. Nghiên cứu cho thấy nhu cầu hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe và tăng cường an toàn lao động cho ngư dân là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. * Từ khóa: tai nạn thương tích; ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ.
7. NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM CẤP CỨU, VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN VỀ BỜ TỪ CÁC CÔNG TRÌNH BIỂN CỦA VIETSOVPETRO GIAI ĐOẠN 2008-2013
Đặng Lê Thanh Trung tâm y tế Việt – Nga, Vietsovpetro Mục tiêu nghiên cứu: 1. Nghiên cứu đặc điểm các bệnh lý cấp cứu tại giàn khoan. 2. Đánh giá hiệu quả công tác cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về bờ của Trung tâm y tế Việt – Nga Vietsovpetro. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu 253 bệnh nhân được cấp cứu và vận chuyển về bờ từ 1/1/2008-31/12/2013 bằng trực thăng, tại Trung tâm y tế Việt – Nga Vietsovpetro. Kết quả: 100% bệnh nhân được cấp cứu và vận chuyển về bờ chính xác và kịp thời. Tỷ lệ vận chuyển bằng máy bay cấp cứu (9,5%), máy bay kết hợp (90,5%) Bệnh lý gặp nhiều nhất là sốt nhiễm siêu vi (24,5%), chấn thương (23,7%), bệnh tim mạch (11,1%). Nhóm nhiễm siêu vi hay gặp là sốt siêu vi (65,1%), sốt xuất huyết (34,9%). Nhóm chấn thương gặp nhiều nhất là chấn thương chi trên (38,3%). Thường gặp nhất là nhóm bệnh nhân ≤ 35 tuổi (40,3%), từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Kết luận: Bệnh nhân được cấp cứu và vận chuyển về bờ hoàn toàn chính xác và kịp thời. Bệnh lý theo thứ tự hay gặp: sốt siêu vi, chấn thương, bệnh tim mạch. Cấp cứu hay gặp ở người trẻ ≤ 35 tuổi từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Từ khóa: Bệnh lý, chấn thương, trực thăng, cấp cứu biển, giàn khoan.
8. THỰC TRẠNG CUNG CẤP MÁU VÀ CHẾ PHẨM MÁU TẠI HUYỆN ĐẢO CÁT HẢI VÀ PHÚ QUỐC NĂM 2011 Ngô Mạnh Quân*, Lê Thanh Hằng*, Nguyễn Văn Nhữ*, Phạm Văn Hoàng**, Nguyễn Đức Phát***, Bùi Thị Mai An*, Nguyễn Anh Trí* *Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương **Bệnh viện đa khoa Cát Bà, ***Bệnh viện đa khoa Phú Quốc
Mục tiêu: Đánh giá thực trạng cung cấp máu và chế phẩm máu tại 2 huyện đảo Cát Hải và Phú Quốc năm 2011. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu hồi cứu tài liệu, hồ sơ, bệnh án của 134 bệnh nhân đã được truyền máu hoặc có chỉ định truyền máu tại hai bệnh viện. Kết quả: Đã tiếp nhận 596 đơn vị chế phẩm máu từ cơ sở truyền máu trong đất liền, thu gom 16 đơn vị máu tại chỗ cho cấp cứu; tuy nhiên, quy trình tiếp nhận và trao đổi chế phẩm máu thiếu chặt chẽ, còn thụ động. Hai bệnh viện đã cung cấp 264 đơn vị khối hồng cầu, 7 đơn vị khối tiểu cầu, 16 đơn vị máu toàn phần cho các khoa lâm sàng, chủ yếu là khoa Cấp cứu (47%), 40,8% là nhóm O. Kết luận: Hai bệnh viện được cung cấp chế phẩm máu từ đất liền và tiếp nhận máu toàn phần tại chỗ, đáp ứng một phần nhu cầu máu cho điều trị; vẫn còn một số trường hợp không có máu để truyền kịp thời. Từ khóa: truyền máu, chế phẩm máu, khối hồng cầu, máu toàn phần
9. THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TỚI SỬ DỤNG RƯỢU CỦA THUYỀN VIÊN VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG NĂM 2014
Nguyễn Văn Tâm; Trần Thị Quỳnh Chi Viện Y học biển Việt Nam
♦ Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả thực trạng sử dụng rượu và một số yếu tố liên quan tới sử dụng rượu của thuyền viên vận tải viễn dương. ♦ Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Theo phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích. Phỏng vấn 342 thuyền viên để tìm hiểu thực trạng uống rượu và một số yếu tố liên quan tới hành vi sử dụng rượu của thuyền viên vận tải viễn dương trong chuyến hành trình trên biển ♦ Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ uống dụng rượu ở thuyền viên là 75,14%. Tỷ lệ uống rượu có xu hướng tăng theo tuổi nghề. Tỷ lệ lạm dụng rượu ở thuyền viên: 31,51%. Tỷ lệ nghiện rượu ở thuyền viên: 7,39%. Thuyền viên có tiền sử gia đình có người thường xuyên uống rượu, cảm giác buồn chán cô đơn trên biển, có thời gian rảnh rỗi trên tàu nguy cơ làm cho thuyền viên uống rượu cao hơn so với nhóm không bị như vậy.
10. NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM MẠCH, HUYẾT ÁP, ĐIỆN TÂM ĐỒ CỦA THUYỀN VIÊN VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG TRƯỚC VÀ SAU CHUYẾN HÀNH TRÌNH NĂM 2013-2014 Trần Thị Quỳnh Chi, Đỗ Thị Hải, Triệu Thị Thúy Hương Viện Y học biển Việt Nam
Từ khóa: Mạch, huyết áp, điện tâm đồ, thuyền viên, hành trình.
11. NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG TRÊN CÁC TÀU VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG
Nguyễn Thị Hải Hà, Lê Hoàng Lan Lương Xuân Tuyến, Nguyễn Bảo Nam Viện Y học biển VN
Đặt vấn đề: Các yếu tố như: sóng, gió, giông, bão; môi trường lao động chật trội; môi trường vi khí hậu với nhiều yếu tố độc hại; môi trường vi xã hội bất bình thường với xã hội đồng giới… Tất cả những yếu tố đó đã góp phần ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của đoàn thuyền viên. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu thực trạng điều kiện lao động trên các tàu vận tải viễn dương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích để thực hiện mục tiêu đề tài. Chọn chủ đích 10 tàu vận tải viễn dương và 300 thuyền viên đang làm việc trên tàu. Kết quả: Điều kiện lao động của thuyền viên trên các tàu vận tải viễn dương rất nặng nhọc, độc hại. Tủ thuốc y tế trên tàu còn nhiều bất cập. Điều kiện sống, sinh hoạt và vệ sinh trên tàu rất thấp, thêm vào đó điều kiện vi xã hội trên tàu không bình thường gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khoẻ, thể chất của thuyền viên và tạo điều kiện phát sinh nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu, đánh bài. Chế độ khẩu phần ăn của thuyền viên thường mất cân đối về chất dinh dưỡng và thiếu vitamin.
12. KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG KHỐI HỒNG CẦU TRONG QUÁ TRÌNH TRAO ĐỔI GIỮA BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHÚ QUỐC VÀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA KIÊN GIANG Ngô Mạnh Quân*, Nguyễn Duy Ngọc*, Trần Anh Thu**, Nguyễn Đức Phát***, Phạm Tuấn Dương*, Nguyễn Anh Trí* *Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương **Bệnh viện đa khoa Kiên Giang ***Bệnh viện đa khoa Phú Quốc Mục tiêu: Theo dõi sự thay đổi một số chỉ số tế bào, sinh hóa của khối hồng cầu trước và sau quá trình lưu trữ tại đảo Phú Quốc. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu ở 45 đơn vị khối hồng cầu được sản xuất từ đơn vị máu toàn phần tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, cung cấp và lưu trữ tại Phú Quốc trong thời gian 3 tuần. Kết quả:Sau sản xuất 3 ngày, khối hồng cầu có lượng huyết sắc tố là 20,06 ± 1,63 g/dl, hematocrit là 0,64 ± 0,07 l/l, pH là 6,92 ± 0,13, K+ là 4,78 ± 0,51 mmol/l. Một số chỉ số thay đổi có ý nghĩa sau khi bảo quản ở Phú Quốc và đổi ngược lại Kiên Giang (19, 20 ngày sau sản xuất): lượng huyết sắc tố và pH giảm; hematocrit, MCV và K+ tăng nhưng đều ở trong giới hạn cho sử dụng. Kết luận:Sự thay đổi các chỉ số tế bào, sinh hóa của Khối hồng cầu trước và sau quá trình trao đổi giữa hai bệnh viện đều nằm trong giới hạn quy định và đảm bảo cho điều trị. Từ khóa Tiếng Việt: khối hồng cầu, sự thay đổi
13. THỰC TRẠNG SỨC KHỎE CỦA THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN CÁC TÀU VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG
Nguyễn Bảo Nam Nguyễn Thị Hải Hà Trần Thị Quỳnh Chi Nguyễn Trường Sơn Viện Y học biển Việt Nam
Mục tiêu: Đánh giá thực trạng sức khỏe, cơ cấu bệnh tật của thuyền viên trên các tàu vận tải của 2 công ty vận tải viễn dương Việt Nam năm 2011-2012. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp với phân tích để đánh giá điều kiện lao động và thực trạng sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của 600 thuyền viên vận tải viễn dương thuộc 2 công ty. Kết quả nghiên cứu: Về sức khoẻ của thuyền viên viễn dương: Tỷ lệ thuyền viên thừa cân là 23,30%, béo phì là 14,34 %, huyết áp và tần số mạch cũng cao hơn lao động trên đất liên, 31,67 % thuyền viên có điện tâm đồ biến đổi. Rối loạn dung nạp glucose lúc đói và tiểu đường cao 12,83 %, tỷ lệ thuyền viên bị rối loạn lipid máu chiếm 65,67%. Rối loạn căng thẳng do ồn rung chiếm tỷ lệ rất cao (90,33%), căng thẳng cảm xúc tình dục là 69,33%. Về cơ cấu bệnh tật của thuyền viên tàu vận tải viễn dương: Bệnh có tỷ lệ cao nhất là bệnh dinh dưỡng, nội tiết chuyển hóa (69,17%); bệnh tiêu hóa (59,00%); bệnh hệ tuần hoàn (34,33%); bệnh hô hấp (32,83%); bệnh mắt (24,50%); các rối loạn hành vi tâm thần (22,33%)… Nhóm máy tàu, boong và nhóm sỹ quan có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các nhóm còn lại; tuổi nghề cao, tỷ lệ mắc bệnh càng cao.
14. NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN CÁC ĐẢO: CÔ TÔ, BẠCH LONG VỸ, CÁT BÀ, CÁT HẢI TRONG 5 NĂM TỪ 2008 – 2012 VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Dương Nguyễn Quỳnh Hoa Phạm Thị Hương Thủy Trần Thị Quỳnh Chi Viện Y học biển VN Mục tiêu: nghiên cứu thực trạng biến đổi khí hậu và các yếu tố liên quan của một số đảo thuộc khu vực Đông Bắc Bộ của Việt Nam gồm: đảo Cô Tô, đảo Bạch Long Vỹ, đảo Cát Bà, Cát Hải trong 5 năm từ 2008 – 2012. Kết quả cho thấy biến đổi khí hậu đã có những tác động đến yếu tố khí tượng và yếu tố hải văn tại các khu vực được nghiên cứu. Điển hình như: nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng lên. Xu thế biến đổi về lượng mưa không đồng nhất giữa các khu vực nghiên cứu và có thể thấy cường độ mưa tăng lên rõ rệt, biến đổi lượng mưa có xu hướng cực đoan, đó là tăng trong mùa mưa và giảm mạnh trong mùa khô. Trong 5 năm qua, đã xuất hiện nhiều cơn bão bất thường, thời điểm xuất hiện các cơn bão cũng diễn ra không theo quy luật. Một biểu hiện đáng lo ngại nữa của biến đổi khí hậu là mực nước biển dâng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng như ngập lụt trên diện rộng, gây nhiễm mặn nguồn nước, các hiện tượng xói lở, sụt lún, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, gây rủi ro đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế-xã hội
15. MÔ TẢ THỰC TRẠNG CƠ CẤU BỆNH TẬT CỦA NHÂN DÂN TRÊN MỘT SỐ ĐẢO VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM TRONG 5 NĂM 2008 – 2012 Nguyễn Thị Ngân Triệu Thị Thúy Hương Trần Thị Quỳnh Chi Viện Y học biển Mục tiêu: Mô tả thực trạng cơ cấu bệnh tật của nhân dân trên một số đảo vùng Đông bắc Việt Nam trong 5 năm từ 2008 – 2012. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu cơ cấu bệnh tật và một số bệnh, tai nạn liên quan tới biến đổi khí hậu của nhân dân sinh sống trên một số đảo vùng Đông bắc Việt Nam trong 5 năm từ 2008 – 2012. Phương pháp nghiên cứu: hồi cứu dựa theo hồ sơ y tế lưu trữ tại trạm y tế xã và trung tâm y tế của 3 huyện đảo là Cô Tô (Quảng Ninh) và Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân chủ yếu mắc các bệnh thuộc nhóm bệnh tai mũi họng, hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, cơ xương khớp và nhiễm trùng – ký sinh trùng. Bệnh liên quan tới biến đổi khí hậu co 3/9 bệnh được ghi nhận là đã xảy ra trên các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, cụ thể: người dân trên đảo Cát Bà mắc cả 3 bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét trong đó đặc biệt dịch sốt xuất huyết. Cô Tô và Bạch Long Vĩ thì chỉ mắc tiêu chảy. Về dịch bệnh: Bạch Long Vĩ không có vụ dịch nào xảy ra, còn Cát Bà có 2 vụ dịch sốt xuất huyết vào năm 2009 và 2011, Cô tô có 2 vụ dịch cảm cúm vào năm 2011 và 2012.Tai nạn thương tích xảy ra trên cả 3 đảo trong đó số người bị tai nạn ở đảo Cát Bà và Cô Tô nhiều hơn, nguyên nhân chủ yếu do tai nạn lao động trên tàu bè do sóng gió, tai nạn giao thông và đánh nhau do say rượu. Kết luận: Người dân trên đảo chủ yếu mắc một số bệnh của hệ hô hấp, tim mạch, cơ khớp và nhiếm trùng KST.
16. BIẾN ĐỔI MỘT SỐ CHỈ SỐ SỨC KHỎE CỦA NGƯ DÂN ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ TRƯỚC VÀ SAU CHUYẾN ĐI BIỂN Tăng Xuân Châu*, Phạm Hoài Thương*, Trần An Dương* Phạm Ngọc Châu**, Phạm Đức Minh**, Nguyễn Đức Điển** *Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh ** Học viện Quân Y
Trong mỗi hành trình đi biển, ngư dân chịu nhiều tác động bởi các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghiên cứu được tiến hành trên 40 ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vào thời điểm trước và sau chuyến đi biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy trọng lượng cơ thể của ngư dân giảm sau mỗi chuyến hành trình (p < 0,01), giảm thị lực tạm thời, giảm thính lực tạm thời (p<0,05), tình trạng căng thẳng cảm xúc tăng từ 72,5% lên 95,5%, độ tập trung trung chú ý giảm (p<0,05), tăng các biểu hiện mệt mỏi, đau mỏi cơ xương khớp. Qua nghiên cứu cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngư dân trước sau mỗi hành trình là rất cần thiết. * Từ khóa: sức khỏe; ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. 17. NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG NHẬN THỨC VÀ KHẢ NĂNG TỰ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGƯỜI DÂN TRÊN CÁC ĐẢO VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM Hồ Thị Tố Nga Trần Thị Quỳnh Chi Viện Y học biển Mục tiêu: Thực trạng nhận thức về BĐKH và VSMT của người dân trên các đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cát Bà và đảo Cát Hải; Đánh giá khả năng tự ứng phó trên các đảo với BĐKH. Đối tượng nghiên cứu: Người dân sống và làm việc trên các đảo trong 5 năm 2008 – 2012. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có phân tích. Kết quả: 85,5% nhân dân cho rằng biểu hiện của BĐKH bao gồm tất cả các hiện tượng; 85,1% cho rằng nguyên nhân là do con người; 53,3% cho rằng BĐKH làm tăng tỷ lệ mắc một số bệnh, bệnh sốt xuất huyết chiếm 55,8%. Nước sinh hoạt trên đảo 100% là nước mưa; 47,8% nước máy; 15,3% nước ao hồ, 30,4 % nước giếng khoan, 73,3 % nước giếng đào. Khi có bão lũ xảy ra, 55,9% che chắn, kê cao chuồng trại để bảo vệ gia súc, gia cầm. 8,3 % phun thuốc phòng bệnh cho gia súc. Khi bị bệnh trong điều kiện thảm họa xảy ra, 53,5% đến bệnh viện. 22,4%. đến bệnh viện Quân y. Trợ giúp từ xa chiếm 1,3%; 90% trợ giúp từ xa qua điện thoại. Kết quả trợ giúp y tế từ xa, 5% khỏi, 95% đỡ. Khi cấp cứu, 59,8% bệnh nhân được chở bằng tàu khách hoặc tàu du lịch. 100% cho rằng phải bảo vệ, trồng rừng trên đảo và giữ vệ sinh nguồn nước, không khí. 53,2 % người dân cho rằng phải tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, thực hành về BĐKH. Kết luận: Người dân trên đảo có nhận thức đúng về các hiện tượng của BĐKH, nguyên nhân, các bệnh do biến đổi khí hậu gây ra … Từ đó có những biện pháp tự ứng phó với biến đổi khí hậu.
18. NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SIÊU ÂM GAN, THẬN CỦA THUYỀN VIÊN KHỎE MẠNH ĐẾN KHÁM SỨC KHỎE TẠI VIỆN Y HỌC BIỂN NĂM 2013
Trần Thị Quỳnh Chi Nguyễn Thị Phượng Viện Y học biển VN Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả một số chỉ số siêu âm gan thận bình thường của thuyền viên khoẻ mạnh đến khám sức khoẻ tại Viện Y học biển năm 2013. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Bao gồm 2457 thuyền viên khoẻ mạnh, được đo chiều cao, cân nặng, siêu âm gan, thận bởi bác sỹ siêu âm giàu kinh nghiệm với đầu dò 3,5 MHz. Phương pháp nghiên cứu tiến cứu mô tả. Xử lý số liệu bằng phương pháp y sinh học trên phần mềm SPSS. Kết quả nghiên cứu và kết luận: Một số chỉ số siêu âm gan, thận trên thuyền viên đều tương tự các chỉ số sinh học Việt Nam bình thường thập niên 90 thế kỷ XX cùng giới và độ tuổi hoặc cao hơn. Có mối tương quan thuận rõ giữa chiều cao gan và chiều dài thận với chiều cao của thuyền viên với r=0,6 và r=0,8.
19. NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG RỐI LOẠN ĐƯỜNG HUYẾT LÚC ĐÓI TRÊN THUYỀN VIÊN ĐẾN KHÁM TẠI VIỆN Y HỌC BIỂN NĂM 2013
Trịnh Thị Nhung Nguyễn Thị Vân Anh Đào Thị Hương Viện Y học biển Việt Nam Nghiên cứu được thực hiện trên 408 đối tượng thuyền viên đến khám sức khỏe định kỳ tại viện Y học biển năm 2013. Đối tượng được nhịn ăn ≥ 8 giờ và được lấy máu tĩnh mạch để định lượng đường huyết, xét nghiệm lặp lại lần 2 vào ngày hôm sau. Kết quả về tỷ lệ rối loạn đường huyết lúc đói ở thuyền viên là 10,0%. Mối liên quan giữa rối loạn đường huyết lúc đói trên thuyền viên với một số yếu tố liên quan: nhóm bị cao huyết áp chiếm tỷ lệ 31,6% và nhóm có huyết áp bình thường là 9,2%; nhóm có BMI ≥ 23 chiếm tỷ lệ 19,2% và nhóm có BMI <23 chiếm tỷ lệ 8,4%.
20. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG BỆNH QUANH RĂNG CỦA THUYỀN VIÊN ĐẾN KHÁM TẠI VIỆN Y HỌC BIỂN NĂM 2013 Nguyễn Sỹ Sắc Hoàng Hồng Hạnh Nguyễn Trung Phong Viện Y học biển VN
Mục tiêu: đánh giá thực trạng bệnh quanh răng và phân tích một số yếu tố liên quan của thuyền viên. Phương pháp: nghiên cứu được tiến hành trên 408 thuyền viên đến khám tại Viện Y học biển, đi biển trên 5 năm. Phân tích thống kê dựa trên dữ liệu đã thu thập được. Kết quả : Tỷ lệ thuyền viên có bệnh quanh răng là 90,3%, lợi viêm là 16,4%, cao răng là 62,5%, túi lợi nông là 9,4%, túi lợi sâu là 1,98%, Tỷ lệ thuyền viên không cần điều trị : 9,7%,cần được hướng dẫn vệ sinh răng miệng : 90,3%, cần được lấy cao răng : 62,5%, cần được điều trị phức hợp : lấy cao răng, hướng dẫn vệ sinh răng miệng và kết hợp phẫu thuật chiếm 2%. Thời gian lao động có ảnh hưởng đến bệnh lý quanh răng. Tỷ lệ bệnh quanh răng ở nhóm có thời gian lao động từ 5 – < 10 năm, 10 – < 15 năm ( 85% so với 94,6%).Bệnh quanh răng tăng khi vệ sinh răng miệng kém. Tỷ lệ bệnh quanh răng ở người vệ sinh răng miệng rất tốt là 60%, tốt là 75,9%, trung bình là 92,8% và kém là 100%.
21. THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TỚI HÚT THUỐC LÁ CỦA THUYỀN VIÊN VẬN TẢI VIỄN DƯƠNG NĂM 2014
Trần Thị Quỳnh Chi*, Nguyễn Văn Tâm** * Viện Y học biển Việt Nam ** Đại học Y Dược Hải Phòng
♦ Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả thực trạng hút thuốc lá và một số yếu tố liên quan tới hút thuốc lá của thuyền viên vận tải viễn dương. ♦ Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Theo phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích. Phỏng vấn 426 thuyền viên để tìm hiểu thực trạng hút thuốc lá và một số yếu tố liên quan tới hút thuốc lá của thuyền viên vận tải viễn dương trong chuyến hành trình trên biển. ♦ Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ thuyền viên đang hút thuốc lá: 50,94%. Thuyền viên hút thuốc lá có xu hướng tăng theo tuổi nghề. Mức độ nghiện thuốc lá của thuyền viên: 39,11% thuyền viên không nghiện, 31,85% nghiện nhẹ, 19,35% nghiện vừa, 9,69% nghiện nặng. Thuyền viên có tiền sử gia đình có người thường xuyên hút thuốc, cảm giác buồn chán cô đơn trên biển, có thời gian rảnh rỗi trên tàu nguy cơ làm cho thuyền viên hút thuốc lá cao hơn so với nhóm không bị như vậy.
22. THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TỚI BỆNH GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI CỦA CÔNG NHÂN CÔNG TY MAY HAI, HẢI PHÒNG Nguyễn Thị Ngân Trần Thị Quỳnh Chi Nguyễn Trường Sơn Viện Y học biển VN Mục tiêu: Mô tả thực trạng và xác định một số yếu tố liên quan đến bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới của công nhân May Hai Hải Phòng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu trên 200 công nhân làm việc trực tiếp tại phân xưởng may và 86 nhân viên văn phòng của công ty may Hải Phòng, toàn bộ là nữ có tuổi nghề trên 2 năm. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, chọn mẫu chủ đích. Kết quả: tỷ lệ GTMCD của công nhân May Hai là 86,00%, chủ yếu mắc bệnh ở mức C1 (44,00%) ; C2 ( 14,00% ), C3 ( 1,00%). Không có công nhân bị bệnh ở độ C4 trở lên cũng như biến chứng loét, bệnh tập trung chủ yếu ở các nhóm tuổi: 30 – 39 ( 36,00% ) và 40 – 49 ( 45,00%), có xu hướng tăng theo tuổi nghề ( ≥ 16 năm) chiếm 68,00%. Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh: công nhân may có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 14,98 lần so với nhân viên văn phòng với r = 0,91. Tuổi đời và tuổi nghề càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Kết luận: Tỷ lệ mắc bệnh suy giãn tính mạch chi ở công nhân may là khá cao và có liên quan với tư thế và thời gian làm việc 23. MỘT SỐ CHỈ SỐ THỂ LỰC CỦA THUYỀN VIÊN VẬN TẢI XĂNG DẦU VIPCO TRƯỚC VÀ SAU HÀNH TRÌNH ĐI BIỂN NĂM 2013
Nguyễn Thị Ngân Trần Thị Quỳnh Chi Viện Y học biển Việt Nam Mục tiêu: Nghiên cứu một số chỉ số thể lực của thuyền viên vận tải xăng dầu VIPCO trước và sau hành trình đi biển năn 2013. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu dọc kết hợp hồi cứu: đo các chỉ số thể lực về chiều cao, cân nặng, vòng mông, vòng bụng, tỷ lệ VB/VM, chỉ số BMI trước và sau hành trình đi biển trên 170 thuyền viên của công ty vận tải biển VIPCO toàn bộ là nam giới, có tuổi đời trên 20 tuổi và tuổi nghề trên 2 năm, chia ra các nhóm chức danh: boong, máy và nhóm chức danh khác. Kết quả: chiều cao của TV VIPCO trước và sau HT lần lượt là 166,12 ± 6,85/166,37 ± 6,51 cm, không có sự thay đổi có ý nghĩa thống kê; cân nặng là 63,15 ± 8,62/67,12 ± 7,96 kg có sự khác biệt rõ ràng có ý nghĩa thống kê và có xu hướng tăng dần theo tuổi nghề và tuổi đời; số đo VBTB là 82,23 ± 9,03 / 84,17 ± 9,74 cm và VMTB là 95,34 ± 6,12/96,13 ± 6,41cm sự khác biệt có ý nghĩa thống kê; tỷ lệ thuyền viên có béo phì trung tâm (VB/VM) sau HT là 25,89 % cao hơn trước HT 20,59 % và số TV có chỉ số BMI ≥ 23 sau HT tăng lên 25,30% so với trước HT là 20,59.
24. NHẬN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ HÀNH VI VỀ HIẾN MÁU DỰ BỊ CỦA NGƯỜI DÂN HAI HUYỆN ĐẢO CÁT HẢI VÀ PHÚ QUỐC NĂM 2013 Ngô Mạnh Quân, Lê Thanh Hằng, Nguyễn Anh Trí Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Mục tiêu: Đánh giá kết quả nhận thức, thái độ, hành vi về hiến máu dự bị (HMDB) của người dân tại huyện đảo Cát Hải và Phú Quốc năm 2013. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, phỏng vấn bằng bảng hỏi ở 417 người dân. Kết quả: 75,8% đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về hiến máu dự bị, 54,2% đã nghe về ngân hàng máu sống; 77,5% sẵn sàng đăng ký HMDB, 7,2% đã từng hiến máu. Kết luận: Đối tượng nghiên cứu có nhận thức khá đầy đủ và thái độ tích cực về HMDB. Từ khóa: hiến máu dự bị, nhận thức, thái độ, hành vi
25. NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG MÔ HÌNH CAN THIỆP NHẰM HẠN CHẾ TAI BIẾN DO LẶN CHO NGƯ DÂN KHÁNH HOÀ
Phùng Thị Thanh Tú1, Viên Chinh Chiến2, Trần Thị Quỳnh Chi3, Lê Hồng Minh4, TrịnhThị Bích Thủy1, Hoàng Tiến Thanh1, Nguyễn Văn Tuyên1, Thiều Long5 Viện Pasteur Nha Trang1, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên2, Viện Y học Biển3, Bênh viện 175 Bộ Quốc phòng4, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa5 Tóm tắt Dựa trên kết quả điều tra và nghiên cứu về nguyên nhân tai biến do lặn, mô hình bệnh tật và tai biến do lặn của ngư dân Khánh Hoà, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu can thiệp trên 200 ngư dân Khánh Hoà: – Trước khi can thiệp: Kiến thức và thực hành của ngư dân về an toàn lặn và sơ cấp cứu tai nạn trên biển chiếm tỉ lệ thấp (tập huấn an toàn lặn 1,8%; sơ cấp cứu tai nạn trên biển 33%). – Tiến hành can thiệp: Tập huấn cho ngư dân về an toàn lặn và sơ cấp cứu tai nạn trên biển 2 lần; đánh giá kiến thức thực hành về an toàn lặn và sơ cấp cứu tai nạn trên biển 2 lần. – Sau can thiệp: kiến thức và thực hành của ngư dân về an toàn lặn và sơ cấp cứu tai nạn trên biển tăng lên: tập huấn an toàn lặn 98,5%; biết bảng hướng dẫn lặn 98,5%; thuộc bảng hướng dẫn lặn 98%, cấp cứu tai biến lặn khi nạn nhân còn tỉnh 98%, cấp cứu tai biến lặn khi nạn nhân bất tỉnh 95%; sử dụng bình oxy an toàn 93% ; sơ cấp cứu tai nạn trên biển 96%. Sau can thiệp, kiến thức thực hành về an toàn lặn và sơ cấp cứu tai nạn trên biển của ngư dân tăng lên rõ rệt, với p<0,005. – Các tác giả đã đề xuất mô hình can thiệp nhằm hạn chế tai biến do lặn cho ngư dân Khánh Hoà. Mô hình dựa trên các văn bản và chỉ thị của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Khánh Hòa đến các Sở, Ban, Ngành liên quan về “Quản lý an toàn nghề lặn biển ở Việt Nam”.
26. NGHIÊN CỨU NGUYÊN NHÂN, XÁC ĐỊNH MÔ HÌNH BỆNH TẬT VÀ CÁC TAI BIẾN DO LẶN CỦA NGƯ DÂN KHÁNH HÒA Phùng Thị Thanh Tú1, Viên Chinh Chiến2, Trần Thị Quỳnh Chi3, Lê Hồng Minh4, Trịnh Thị Bích Thủy1, Hoàng Tiến Thanh1, Nguyễn Văn Tuyên1, Thiều Long5 Viện Pasteur Nha Trang1, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên2, Viện Y học Biển Việt Nam3, Bênh viện 175 Bộ Quốc phòng4, bênh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa5
Các tác giả đã nghiên cứu trên 400 ngư dân (348 ngư dân lặn và 52 chủ tàu) tại 9 điểm của xã, phường ven biển tỉnh Khánh Hòa (Phường Vĩnh Nguyên và xã Phước Đồng của Nha Trang); xã Ninh Hải, xã Ninh Phước và xã Ninh Ích của thị xã Ninh Hoà; xã Vạn Hưng của huyện Vạn Ninh. Kết quả cho thấy: 1.Nguyên nhân gây ra tai biến do lặn : Ngư dân ít được tập huấn về an toàn lặn (2%), ngư dân lặn sâu, lặn nhiều giờ trong ngày (5,06 ± 2,75 giờ), nhiều ngày trong tháng (20,14 ± 6,66 ngày), nhiều tháng trong năm (8,84 ± 0,26 tháng) nhưng điều kiện bảo hộ lao động rất kém. Hệ thống khí nén để thở không an toàn (64,5%), dây dẫn khí thường bị đứt (47%), bị gấp (46,8%), ngư dân phải trồi lên mặt nước thật nhanh, cho nên tai biến do lặn xảy ra với tỷ lệ cao (78,8%) vì ngư dân không biết bảng hướng dẫn lặn (98,2%). 2.Xác định mô hình bệnh tật của ngư dân Khánh Hòa: bệnh răng hàm mặt (82%), tai biến do lặn (78,8%), hội chứng thần kinh cơ xương khớp (78,3%); bệnh tai mũi họng (53,8%: chảy máu mũi; thủng màng nhĩ hai tai; thủng nhĩ phải, thủng nhĩ trái); suy giảm thính lực 26,7%, nghi ngờ điếc nghề nghiệp (14,8%); bệnh về mắt (25%), bệnh huyết áp, tim mạch (15%), bệnh tiêu hoá (4,3%), bệnh ngoài da và hệ thống dưới da (1,8%), bệnh hô hấp (0,8%), bệnh tiết niệu (0,8%) 3. Các tai biến do lặn: tai biến do lặn (78,8%), hội chứng thần kinh, cơ xương khớp (78,3%), tổn thương tai (62,5%); ù tai (58%), thủng nhĩ hai tai , thủng nhĩ phải, thủng nhĩ trái (34,4%); nghi ngờ điếc nghề nghiệp (14,8%); suy giảm thính lực (26,7%); chảy máu mũi (37,5%), khó thở tức ngực (50%); đau bụng dữ dội (11,8%); liệt (5,3% ), liệt 2 tay (1%), liệt 2 chân ( 1,3%), teo cơ (0,5%). |