Hơn 10 năm trở về trước, với kiểu đánh bắt cá kiểu tận diệt khó kiểm soát của ngư dân Việt Nam nên nguồn tài nguyên thủy hải sản gần bờ gần như cạn kiệt. Trước tình hình đó, cùng với chương trình khuyến khích đánh bắt cá xa bờ, bà con ngư dân của các tỉnh thành ven biển, đặc biệt là ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi, lại ồ ạt đóng tàu trọng tải lớn để đánh bắt tại những ngư trường giàu tiềm năng nhưng cũng rất nhạy cảm như Hoàng Sa – Đà Nẵng và Trường Sa – Khánh Hòa. Tuy được đầu tư hỗ trợ về chi phí đóng tàu, chi phí xăng dầu và các ngư cụ khác… nhưng bà con ngư dân lại vẫn đánh bắt bằng phương pháp truyền thống do cha ông truyền lại đó là nghề lặn bắt hải sản cùng với các phương tiện thô sơ mà không qua bất kỳ một trường lớp hay các khóa đào tạo ngắn hạn chính quy nào. Hậu quả là trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tại những khu vực nói trên, tỷ lệ tai biến lặn tăng lên một cách nhanh chóng. Theo nghiên cứu tai biến lặn khu vực Khánh Hoà và Bình Thuận của Phùng Thị Thanh Tú năm 2000 cho thấy: tỷ lệ tai biến chung do lặn là 33,4%, trong số đó tỷ lệ tử vong chiếm tới 6,43%[4]. Còn theo nghiên cứu tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ của Nguyễn Trường Sơn và Phạm Văn Thức năm 1997, tỷ lệ tai biến giảm áp là khá cao 76,70%, tỷ lệ tử vong khoảng 2%[10]. Phần lớn những ca tai biến di chứng nặng lại thường xảy ra với những thợ lặn tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề ít. Có không ít người trong số họ lại từng là trụ cột, lao động chính trong gia đình nhưng sau khi bị tai biến lặn họ lại trở thành gánh nặng rất lớn đối với gia đình. Trước thực trạng trên, từ năm 2008, đã có nhiều đơn vị và các tổ chức liên quan trong và ngoài nước đã tích cực tham gia nhiều chương trình hỗ trợ, tư vấn cũng như huấn luyện an toàn lặn cho ngư dân. Về phía nước ngoài, đáng kể nhất là Hiệp hội Pháp ngữ tương trợ và phát triển các khoa học đời sống – AFEPS, đã hợp tác với các đối tác trong nước như Viện Y học biển Việt Nam, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Đông Y và PHCN Khánh Hòa, BV Huyện Lý Sơn – Quảng Ngãi triển khai nhiều khóa huấn luyện, tuyên truyền cho ngư dân các tỉnh nói trên về an toàn lặn và cấp cứu ban đầu trên biển.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của Bác Sỹ Alexandre Yersin và tổng kết 5 năm ‘‘TRỢ GIÚP NGƯ DÂN LẶN ĐÁNH CÁ VIỆT NAM’’, Hội AFEPS đã tổ chức ‘‘Hội thảo quốc tế về phòng và điều trị tai biến lặn cho ngư dân lặn bắt hải sản’’. Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo tổng kết của các đơn vị tham dự, GS.TS.TTƯT. Nguyễn Trường Sơn – Viện Trưởng Viện Y học biển Việt Nam cũng đánh giá rất cao những kết quả của phương pháp ‘‘Cấp cứu tai biến lặn bằng tái tăng áp suất dưới nước’’ (viết tắt tiếng Pháp là RTI) mà AFEPS đã triển khai cho ngư dân hai tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi; đồng thời mong muốn AFEPS phối hợp Viện Y học biển Việt Nam để sớm triển khai phương pháp nói trên ra phía Bắc để ngư dân lặn bắt hải sản khu vực Vịnh Bắc Bộ được hưởng những thành quả của dự án.
Cũng tại hội thảo, GS. Nguyễn Trường Sơn đã vui mừng giới thiệu ‘‘Đề án phát triển Y tế biển đảo Việt Nam đến 2020’’ vừa được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 07/02 theo quyết định số: 317/QĐ-TTg (Xem chi tiết tại đường link http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban). Đề án sẽ được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương. Trong đó, tập trung xây dựng mới hoặc hoàn thiện các trung tâm y tế, trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị có thể đáp ứng cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, chữa bệnh tại chỗ cho người dân. Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Tạo sự công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao của người lao động, quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển, đảo giúp người dân yên tâm bám biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc